News from LCDF

Triển lãm Thiết kế Nội thất và Kiến trúc - Khi con người là trung tâm kết nối và xúc cảm

25.JPG

Đi từ ý tưởng “Lấy con người làm trung tâm” (Human Centric Design), các sinh viên thiết kế nội thất và kiến trúc tại Học viện thiết kế và thời trang London - Hanoi đã đặt mình vào trải nghiệm người sử dụng, từ đó tối ưu hóa công năng và tối đa hoá mục đích sử dụng không gian cộng đồng, tạo nên những không gian phục vụ một số tệp khách hàng cụ thể như: trẻ em, gia đình, học sinh, người dân trong khu vực,... Mỗi dự án mang một mục đích khác nhau nhưng tất cả đều có tầm nhìn chung là lấy cộng đồng và việc kết nối con người làm kim chỉ nam.

Cùng LCDF- Hanoi điểm qua những góc nhìn thú vị trong tác phẩm tại Triển lãm tác phẩm mang tên "Philanthrope" của các sinh viên Thiết kế Nội Thất và Kiến trúc nhé!

1.JPG

Triển lãm “Philanthrope” mở cửa từ 8h30 ngày 3/3/2024 tại LCDF-Hanoi.

Sinh viên Nguyễn Khôi Linh với Đề án Trung tâm Nghệ thuật “Unwind Sanctuary”

Dự án trung tâm nghệ thuật “Unwind Sanctuary” (tạm dịch: Thánh địa thư giãn) được tạo nên bởi sinh viên ngành Thiết kế Nội thất và Kiến trúc Nguyễn Khôi Linh, với sứ mệnh lấy con người làm trung tâm, kiến tạo một không gian nơi con người có thể gặp gỡ, kết nối và biểu đạt những cảm xúc bên trong thông qua nghệ thuật sáng tạo. Toàn bộ không gian trung tâm nghệ thuật được chia thành 4 phần chính, bao gồm: Không gian Triển lãm nghệ thuật, Không gian Workshop, Sân chơi nghệ thuật và Khu vườn thư giãn tại tầng thượng.

2.JPG

Khu trưng bày tác phẩm của Khôi Linh tại Triển lãm thiết kế nội thất và kiến trúc

Bao trùm thiết kế của Khôi Linh là nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ chủ nghĩa thiết kế Eco Brutalism (tạm dịch: sinh thái thô mộc), với mục tiêu chính là gia tăng ánh sáng tự nhiên và cây xanh xung quanh công trình. Khôi Linh sử dụng phương pháp ghép chuỗi dây kim loại dọc theo mỗi tầng nhằm tạo điều kiện cho cây xanh phát triển, tạo thành một “bức tường xanh” khổng lồ.

Tầng thượng là không gian thể hiện được một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần hình thành thiết kế của Khôi Linh: sự thư giãn. Khôi Linh cho rằng, khi con người muốn thư giãn và giải tỏa căng thẳng, nơi có nhiều cây xanh luôn luôn là lựa chọn hàng đầu.

3.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Trung tâm nghệ thuật “Unwind Sanctuary” của Khôi Linh được trưng bày tại Triển lãm.

Dự án trung tâm nghệ thuật “Unwind Sanctuary” của Khôi Linh hướng đến đối tượng khách hàng là những người có đam mê với nghệ thuật, có sở thích sưu tầm và nghiên cứu nghệ thuật, hoặc hứng thú với việc tham gia workshop ở mọi lứa tuổi.

4.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Trung tâm nghệ thuật “Unwind Sanctuary” của Khôi Linh được trưng bày tại Triển lãm.

5.JPG

Sinh viên Lý Quỳnh Anh với đề án Trung tâm Cộng đồng Nghệ thuật & Thủ công “JOY”

Dự án trung tâm Cộng đồng Nghệ thuật và Thủ công JOY của sinh viên Thiết kế nội thất và Kiến trúc Lý Quỳnh Anh lấy cảm hứng từ mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng thông qua việc tạo ra những không gian kết nối. Với tinh thần tích cực và hiện đại, thiết kế sử dụng các vật liệu bền vững, đi sâu khám phá mối liên hệ giữa con người qua tác động của màu sắc đối với thị giác. Toàn bộ ý tưởng thiết kế của dự án JOY chịu ảnh hưởng từ trường phái POP ART những năm 60, với bảng màu rực rỡ, họa tiết Polka Dot và những tác phẩm của nghệ sĩ Andy Warhol.

7.JPG

Khu trưng bày tác phẩm của Quỳnh Anh tại Triển lãm “Philanthrope”.

Vật liệu được sử dụng trong dự án JOY gồm sơn hiệu ứng, bê tông, gỗ, gạch mosaic và kính. Màu sắc chủ đạo là đỏ, xanh lá, be xám và vàng, hình dáng thiết kế gồm các khối vuông xen kẽ với các chi tiết đường cong nhỏ.

Thiết kế tường, trần và sàn được Quỳnh Anh tối giản hóa, sử dụng vật liệu thô mộc nhưng bền vững và tiết kiệm chi phí bảo trì lắp đặt. Điểm nổi bật của dự án JOY là phần mái nhà, lấy cảm hứng từ các mái nhà tôn với hình tam giác và góc nghiêng, đảm nhận các chức năng cơ bản như thoát nước và tránh nóng. Thiết kế này kết hợp với mật độ cây xanh xung quanh tòa nhà, tạo nên một không gian kết hợp với thiên nhiên, đồng thời tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên từ mặt trời.

8.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Trung tâm Cộng đồng Nghệ thuật & Thủ công “JOY” của Quỳnh Anh được trưng bày tại Triển lãm “Philanthrope”.

10.JPG

Khách tham dự Triển lãm hứng thú với những ý tưởng tạo nên Dự án “JOY” của Quỳnh Anh.

11.JPG

Không gian Triển lãm phù hợp để khách tham dự có thể chiêm ngưỡng và thấu hiểu những ý tưởng của các nhà thiết kế trẻ.

Sinh viên Phạm Lê Đài Trang với đề án Trung tâm Nghệ thuật & Thủ công MUD PIE

Đề án Trung tâm Nghệ thuật & Thủ công MUD PIE được sinh viên Thiết kế nội thất và Kiến trúc Phạm Lê Đài Trang xây dựng với mong muốn tạo nên một không gian nơi mọi người có thể gặp gỡ, kết nối, cùng nhau làm việc, cùng nhau theo đuổi và chia sẻ những sở thích, câu chuyện xung quanh cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Thiết kế trong dự án MUD PIE của Đài Trang tập trung vào 3 phần chính: Không gian triển lãm văn hóa Chăm, không gian workshop và khu vực sảnh. Tại mỗi không gian, Đài Trang đều khéo léo đưa vào những chất liệu trong văn hóa Việt, như Gốm sứ người Chăm, bó rơm, tre, gạch Việt Nam,… tạo thành điểm nhấn vô cùng thú vị.

12.JPG

Đài Trang chụp hình lưu niệm cùng thầy Myles Cummings - Trưởng khoa Thiết kế nội thất và kiến trúc tại khu vực trưng bày tác phẩm của mình trong Triển lãm thiết kế nội thất và kiến trúc.

“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO chính thức ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn khẩn cấp. Nhìn thấy những dấu hiệu mai một của nền văn hóa này, Đài Trang đã tạo nên “Không gian Triển lãm văn hóa Chăm” với những thiết kế đi theo lối kiến trúc cổ của dân tộc, sử dụng chất liệu như rơm, bê tông, gỗ sồi, sơn dầu,...

13.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Trung tâm Nghệ thuật & Thủ công MUD PIE của Đài Trang được trưng bày tại Triển lãm.

Phần không gian workshop được thiết kế với các đường cong ẩn dụ cho hình ảnh chiếc bình gốm, đồng thời sử dụng loại gạch thông gió quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Khu vực sảnh mang phong cách mộc mạc, thân thiện với môi trường khi sử dụng những chất liệu như đá mài, tre, cây xanh trồng ở chính giữa,...

14.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Trung tâm Nghệ thuật & Thủ công MUD PIE của Đài Trang được trưng bày tại Triển lãm.

15.JPG

Sinh viên Trần Anh Phương với đề án Trung tâm Cộng đồng dành cho Trẻ em và Gia đình HOME (House of Memories)

Đề án được sinh viên Thiết kế nội thất và Kiến trúc Trần Anh Phương định hình là Trung tâm Cộng đồng dành cho trẻ em và gia đình, với cảm hứng thiết kế kết hợp giữa phong cách hiện đại, tính đơn giản và màu sắc. Thiết kế chung của HOME phát triển từ những khối hình hữu cơ và đường cong mềm mại nhằm tạo ra một không gian an toàn, bao bọc; đồng thời sử dụng nhiều màu sắc để thu hút và kích thích sự sáng tạo ở trẻ. Anh Phương chịu ảnh hưởng từ phong cách "Less is more" của kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe, do vậy những đồ nội thất và không gian trong tòa nhà cũng được thực hiện một cách vô cùng tối giản.

16.JPG

Khu trưng bày tác phẩm của Anh Phương tại Triển lãm “Philanthrope”.

Vật liệu sử dụng trong dự án bao gồm gỗ sồi, kính, gạch terrazzo và gạch lát 3D. Màu sắc chủ đạo là cam, tím, hồng và xanh biển pastel, với các đường tròn và đường cong. Tính bền vững và đạo đức trong thiết kế được biểu hiện qua việc sử dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các cây xanh xung quanh tòa nhà gốc được giữ nguyên.

17.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Trung tâm Cộng đồng dành cho Trẻ em và Gia đình HOME của Anh Phương được trưng bày tại Triển lãm.

Điểm nổi bật của HOME nằm ở việc sử dụng rộng rãi các đường cong, đặc biệt là tại khu vực khối kính lớn phía sau toà nhà để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Thêm vào đó, phần hành lang dài cong theo khối kính, bao gồm 2 cầu thang cong, khi nhìn từ chính diện, hai cầu thang sẽ tạo hình ảnh như người cha và người mẹ đang ôm lấy con mình.

18.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Trung tâm Cộng đồng dành cho Trẻ em và Gia đình HOME của Anh Phương được trưng bày tại Triển lãm.

19.JPG

Anh Phương giới thiệu với những vị khách tại Triển lãm những điểm đặc biệt trong Dự án Trung tâm Cộng đồng dành cho Trẻ em và Gia đình HOME.

Sinh viên Phạm Như Ngọc với đề án Trung tâm Cộng đồng về Chăm sóc sức khỏe Trẻ em Tiny Seeds

Tiny Seeds là Trung tâm Cộng đồng về chăm sóc sức khỏe Trẻ em từ ý tưởng của sinh viên Thiết kế nội thất và Kiến trúc Phạm Như Ngọc, với mục tiêu cung cấp các phương pháp kiểm tra sức khỏe và giải pháp giáo dục cho cho trẻ em. Tiny Seeds mang đến nhiều hoạt động để kích thích sự sáng tạo, tính tò mò khám phá ở trẻ như: hát, nhảy, biểu diễn, xây dựng, nấu ăn, nuôi trồng,...; là nơi thích hợp để phụ huynh có thể gửi con sau giờ học ở trường, trong những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, hoặc dành thời gian quây quần và thư giãn cùng con của mình.

20.JPG

Khu trưng bày tác phẩm của Như Ngọc tại Triển lãm “Philanthrope”.

Toàn bộ đề án của Phạm Như Ngọc hướng tới việc kiến tạo nên một “thành phố xanh” cho trẻ, chuyển đổi từ lối sống thành thị sang sân chơi thân thiện với môi trường. Bằng việc tạo nên nhiều không gian xanh trong tổng thể kiến trúc, Như Ngọc mong muốn Tiny Seeds sẽ trở thành nơi mà trẻ em có thể học hỏi, khám phá, và trưởng thành cùng với nhịp đập của thiên nhiên.

Vật liệu sử dụng trong dự án Tiny Seeds bao gồm thạch cao đánh bóng, gỗ sồi trắng, đá mài, kính màu, thảm len, vải lông cừu,...

21.JPG

Mô hình kiến trúc cho đề án Trung tâm Cộng đồng về chăm sóc sức khỏe trẻ em Tiny Seeds của Như Ngọc được trưng bày tại Triển lãm.

22.JPG

23.JPG

Mô hình kiến trúc cho đề án Trung tâm Cộng đồng về chăm sóc sức khỏe trẻ em Tiny Seeds của Như Ngọc được trưng bày tại Triển lãm.

Sinh viên Lưu Minh Chiến với đề án Thư viện Cộng đồng Page-Turner

Đề án Thư viện Cộng đồng Page-Turner của sinh viên Thiết kế nội thất và Kiến trúc Lưu Minh Chiến hướng tới việc xây dựng một không gian kết nối, nơi mọi người có thể đến, thư giãn, đọc sách và tự nghiên cứu những khía cạnh xung quanh cuộc sống thông qua tài nguyên sách tại thư viện. Thiết kế của Page-Turner tập trung mang đến cảm giác thoải mái, ấm cúng và thân thuộc dành cho khách hàng ở mọi lứa tuổi.

Thư viện cộng đồng Page-Turner được chia thành ba khu vực chính, bao gồm: phòng đọc sách, phòng hội thảo và không gian quán cà phê tại sân thượng.

24.JPG

Khu trưng bày tác phẩm của Minh Chiến tại Triển lãm “Philanthrope”.

25.JPG

Mô hình kiến trúc cho Dự án Thư viện Cộng đồng Page-Turner của Minh Chiến được trưng bày tại Triển lãm.

26.JPG

Minh Chiến (áo đen) giới thiệu với các vị khách tại Triển lãm về Dự án thư viện cộng đồng Page-Turner.

Các sinh viên chuyên ngành Thiết kế nội thất và Kiến trúc tại LCDF Hanoi đã hoàn thành xuất sắc đề án cuối kỳ của mình. Trong quá trình tổ chức Triển lãm thiết kế nội thất và kiến trúc "Philanthrope", các bạn đã có cơ hội tự mình vận hành một sự kiện thu hút công chúng, đồng thời được tiếp xúc với các đại diện doanh nghiệp tại triển lãm, lắng nghe những phản hồi và góp ý để từ đó có những định hướng phát triển vượt bậc hơn trong tương lai. Triển lãm "Philanthrope" sẽ mở cửa rộng rãi với cộng đồng đam mê thiết kế từ ngày 3/3/2024 đến hết ngày 15/3/2024, mời bạn ghé thăm và cùng trò chuyện với các nhà thiết kế trẻ của LCDF Hanoi.