News from LCDF

Cựu sinh viên Thiết kế Đồ họa LCDF-Hanoi chia sẻ kinh nghiệm với đàn em

42516562_2089415414707019_5483763343875375104_o.jpg

Các nhà thiết kế đã có những chia sẻ hữu ích về công việc thực tế khi đi làm, kinh nghiệm tìm việc.

Chân dung các nhà thiết kế:

Phương Thảo: Tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa tại University of the West of England (UWE)

Minh Nguyệt: Nhà thiết kế đồ họa tại Brandex - Hà Nội.

Minh Ý: Nhà thiết kế đồ họa tại Rice Creative – Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Minh Hoàng: Nhà thiết kế đồ họa tại Tree studio – Thành phố Hồ Chí Minh

Danny: Nhà thiết kế đồ họa tự do (Freelance)

42516562_2089415414707019_5483763343875375104_o.jpg

Danni, Minh Nguyệt, Minh Ý, Phương Thảo cùng tốt nghiệp khoa Thiết kế đồ họa khóa đầu tiên của LCDF - Hanoi

Công việc thực tế của một Nhà thiết kế đồ họa khác gì so với tưởng tượng ban đầu của bạn?

Phương Thảo: công việc thực tế thường không được mơ mộng và tự do như khi ngồi trên ghế nhà trường. Những dự án thực tế dùng để phục vụ những mục đích ứng dụng cũng như đối tượng khách hàng cụ thể nên sẽ có rất nhiều điều cần phải suy nghĩ đến ngoài thể hiện sự sáng tạo của mình.

Minh Hoàng: Lúc mới đầu chưa đi làm có thể tưởng tượng ra công việc sáng tạo sẽ rất thú vị được tự do làm những điều mình muốn nhưng khi bước chân vào làm mới thấy rằng, môi trường càng chuyên nghiệp thì áp lực càng nặng nề và đòi hỏi tinh thần và cường độ làm việc cao

a quan viet nam noi toi song.jpg

Bức tranh Đà Nẵng giúp Nguyễn Minh Hoàng giành giải Á quân cuộc thi thiết kế Việt Nam -Nơi tôi Sống do Học viện thiết kế và thời trang London -Hà Nội đồng tổ chức.

Cùng danh xưng là Nhà thiết kế đồ họa, vậy đâu là sự khác biệt với những người học qua trường lớp bài bản?

Minh Nguyệt – Minh Ý - Danni : Tư duy thiết kế

Minh Hoàng: Những người chỉ học phần mềm hoặc trung tâm đa phần họ muốn có một tấm bằng để đi xin việc. Khi ấy, kiến thức và kĩ năng nền tảng chỉ dừng ở một mức độ nên đa phần họ sẽ làm theo ý của người khác là chủ yếu vì họ chưa được học cách tìm ra ý tưởng hay cách thấu hiểu để giải quyết vấn đề của khách hàng.

Những người được đào tạo bài bản thường sẽ đầu tư vào kiến thức đồ họa sáng tạo và đọc sách nhiều hơn, kiến thức cơ bản của họ sẽ chắc. Ở họ có thể kỹ năng dùng phần mềm không nhanh bằng nhưng trong công việc sáng tạo họ sẽ biết mình nên bắt đầu từ đâu, hỏi câu hỏi nào để có thể tìm ra được vấn đề, biết mình nên làm gì để thiết kế có thể giải quyết được vấn đề và chủ động giải quyết các khúc mắc của khách hàng.

Phương Thảo: Người học có trường lớp được đào tạo về tư duy thẩm mỹ, cách nghiên cứu đề bài và phát triển ý tưởng. Họ sẽ sử dụng phần mềm giống như công cụ để thể hiện ý tưởng của mình chứ không bị lệ thuộc vào phần mềm.

phuong thao 4.png

Đề án thiết kế tốt nghiệp của Nguyễn Phương Thảo đã tóm gọn đặc trưng ẩm thực Hà Nội vào những hình vẽ chỉ bằng một nét.

Theo bạn, đâu là phần kiến thức quan trọng nhất trong ngành Thiết kế đồ họa?

Minh Nguyệt – Danni: Vẫn chính là nó… Tư duy thiết kế

sai gon sai gon danni.jpg

Thiết kế trong đề án mang tên Sài Gòn – Sài Gòn của Danni. Nhà thiết kế vốn có niềm đam mê đặc biệt với Thiết kế đồ họa chữ

Danni.jpg

Thiết kế đồ họa chữ typography của Danny cho buổi tọa đàm “Republish: Dấu ấn văn hoa trong con chữ” năm 2019 tại Hà Nội. Nhà thiết kế cũng đồng thời là diễn giả trong sự kiện này.

Phương Thảo: Cách nghiên cứu. Khi làm một thiết kế, một điều rất quan trọng là phải hiểu được khách hàng, tính chất của sản phẩm, đối thủ cạnh tranh để có thể đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp nhất khi đã hiểu rõ nét đề bài.

Minh Ý: Tư duy, hiểu biết về xã hội và cách biến tư duy đó thành sản phẩm thật.

minh y 3.jpg

Nhà thiết kế đồ họa Nguyễn Minh Ý có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế bao bì sản phẩm đặc biệt là mỹ phẩm.

Minh Hoàng: Quan trọng nhất vẫn là những kĩ năng cơ bản trong nguyên lý thiết kế đồ họa và phần thấu hiểu khách hàng (tìm ra insight). Bất cứ cái gì cũng đều có cấu trúc của nó và khi mình nắm được cấu trúc đó thì giải quyết vấn đề sẽ nhanh hơn.

minh hoang.png

Một thiết kế của Nguyễn Minh Hoàng trong ấn phẩm so sánh sự khác biệt giữa Hà Nội – Sài Gòn.

Kinh nghiệm bạn muốn gửi tới các đàn em khi khi tốt nghiệp, tìm việc?

Phương Thảo: Yếu tố để được lòng nhà tuyển dụng là một hồ sơ nghệ thuật/ portfolio hấp dẫn đẹp kèm theo một thái độ khiêm tốn, chân thành. Khi viết email xin việc cũng cần phải lịch sự, không qua loa. Ngoài ra có một điều mình học được là… cần phải tôn trọng giá trị lao động của bản thân nữa (không bán rẻ sức lao động của mình).

Minh Nguyệt: Chuẩn bị kỹ Hồ sơ nghệ thuật portfolio. Có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, thể hiện được cho nhà tuyển dụng thấy được khả năng của mình và có gì để phát triển.

Minh Ý: Sắp xếp Portfolio phù hợp với từng Agency/ Studio phù hợp với vị trí công việc mà bạn muốn ứng tuyển. Vì mỗi nơi có một đặc thù khác nhau không nên dùng chung một portfolio. Hãy cho họ thấy bạn thực sự quan tâm tới họ và mong muốn công việc này, cũng như có chứng minh khả năng của mình phù hợp.

Minh Hoàng: Chuẩn bị một portfolio thật tốt, hãy chuẩn bị tinh thần cho việc mình sẽ được kiểm tra trực tiếp để nhà tuyển dụng có thể thấy được kỹ năng của mình và mình sẽ phải thuyết trình portfolio trước tất cả các nhân viên của công ty.

Những điều khác bạn muốn nhắn nhủ tới các đàn em của mình tại LCDF?

Phương Thảo: Lúc đi học thì cứ sáng tạo, bay bổng hết mình; càng chăm chỉ, kiên trì, thử nghiệm càng nhiều thì kết quả sẽ càng được như mong đợi.

Minh Ý: Các bạn hãy tận dụng thời gian làm dự án cá nhân nhiều hơn. Đọc nhiều, tìm hiểu nhiều về tất cả những vấn đề xung quanh không chỉ riêng gì lĩnh vực thiết kế.

Minh Hoàng: Hãy luôn không ngừng học hỏi và cập nhật bản thân vì thế giới không ngừng phát triển nếu ta đứng tại chỗ và luôn nghĩ mình như vậy là giỏi thì sẽ bị đào thải bởi những người khác giỏi hơn.

Danny: Ở trường muốn làm gì cứ làm cho hết sức, không phải ai ra ngoài cũng tìm được việc cho phép mình thoả sức sáng tạo nên dễ vỡ mộng lắm. Ăn thua nhau là có lì hay không thôi. Nhắm chịu được thời gian đầu bị gò bó thì làm, cứ vừa làm vừa đánh giá lại năng lực, niềm yêu thích bản thân, quan trọng nhất là đừng thụ động.

Minh Nguyệt: Nếu được quay lại thời gian, mình ước có thể chăm chỉ hơn ngay từ đầu chứ không để áp lực lớn dồn vào mình khi sát deadline.

minh nguyet.jpg

Một thiết kế của Nguyễn Minh Nguyệt